4 điều về phong cách tuyển dụng đặc thù của doanh nghiệp Nhật Bản mong bạn biết trước khi vào công ty

Có lẽ trong số những bạn đang nghĩ đến chuyện tìm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản, có không ít bạn quan tâm không biết văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản như thế nào? Khác với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Nhật Bản có phong cách tuyển dụng đặc thù riêng. Hãy cùng tìm hiểu, lý giải văn hóa của doanh nghiệp Nhật Bản để tránh phải đau đầu vì sự khác biệt sau khi vào công ty nào!

Phong cách tuyển dụng của doanh nghiệp Nhật Bản

Phong cách tuyển dụng đặc thù riêng của doanh nghiệp Nhật Bản được thể hiện qua 4 nội dung dưới đây:

  1. Tuyển dụng đồng thời hàng loạt người mới tốt nghiệp – Tuyển dụng tiềm năng
  2. Luân phiên công việc (Job rotation)
  3. Chế độ thâm niên
  4. Tuyển dụng trọn đời – Chế độ nghỉ hưu

1. Tuyển dụng đồng thời hàng loạt người mới tốt nghiệp – Tuyển dụng tiềm năng

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện “Tuyển dụng ngưới mới tốt nghiệp”, tức tuyển dụng hàng loạt sinh viên đã tốt nghiệp từ các trường Đại học, Cao học hay Trường dạy nghề. Có những doanh nghiệp lớn tuyển một lượt hàng trăm đến hàng nghìn người mới tốt nghiệp. Về cơ bản, họ sẽ cùng vào công ty với tư cách là nhân viên mới vào tháng 4, những người vào công ty cùng một thời điểm được gọi là Do̅ki (同期) và sẽ được đào tạo cùng nhau. Mặc dù sau khi vào công ty họ được phân vào những bộ phận khác nhau, bị chia tách nhưng nhiều trường hợp vẫn duy trì được mối quan hệ với nhau.

Ngoài ra, trong chế độ tuyển dụng người mới tốt nghiệp, không tiến hành tuyển dụng theo ngành nghề mà thực hiện “Tuyển dụng tiềm năng”, tức kiểu tuyển dụng coi trọng tiềm năng hơn kỹ năng hay kinh nghiệm. Các doanh nghiệp Nhật Bản thường tiến hành đào tạo kỹ càng sau khi nhân viên vào công ty, không hiếm trường hợp các doanh nghiệp lớn tiến hành đào tạo suốt 1 tháng sau khi nhân viên mới vào. Chính vì các doanh nghiệp Nhật Bản có trang bị một môi trường đầu tư cho đào tạo nghiêm túc đến vậy, nên mặc dù một mặt có thể thực hiện việc tuyển dụng tiềm năng, nhưng đối với những người mong muốn được làm việc thật tích cực ngay từ khi mới vào công ty thì thời gian đào tạo ban đầu này có thể cảm thấy chán nản.

2. Luân phiên công việc (Job rotation)

Các doanh nghiệp Nhật Bản khi tuyển dụng người mới tốt nghiệp sẽ không tuyển theo ngành nghề, tại đây có có văn hóa “Luân phiên công việc” (Job rotation), tức nhân viên sau khi vào công ty được vài năm nhất định sẽ được chuyển sang các bộ phận khác nhau. Ví dụ, sau thời gian đầu trực thuộc Phòng kinh doanh thì chuyển sang Phòng phát triển sản phẩm, tiếp đó chuyển sang Phòng nhân sự.

Bằng việc luân phiên công việc, nhân viên sẽ được trải nghiệm công việc tại nhiều bộ phận khác nhau, điều đó không chỉ giúp tăng hiểu biết về công việc tổng thể của công ty mà còn giúp họ có thể tạo dựng mối quan hệ với các nhân viên bộ phận khác, dễ tiến hành công việc hơn.

Tuy nhiên, việc luân phiên công việc liên tục sẽ khiến nhân viên không thể tích lũy kinh nghiệm đối với một công việc trong thời gian dài, khó có được kỹ năng đặc thù hay chuyên môn. Điều này, nói cách khác, nghĩa là họ khó có thể chuyển việc bằng cách phát huy kỹ năng đặc thù của bản thân. Đứng từ góc độ doanh nghiệp thì luân chuyển công việc cũng nhằm mục đích làm giảm tỷ lệ nghỉ việc, tăng tỷ lệ người lao động ổn định hết mức có thể, thu hồi lại đầu tư đào tạo nhân sự bằng việc người lao động làm việc lâu dài.

3. Chế độ thâm niên

Các doanh nghiệp nước ngoài thường thực hiện chế độ nhân sự theo chủ nghĩa trọng kết quả, vị trí hay thù lao được quyết định dựa trên kỹ năng hay kết quả công việc, bất kể tuổi tác. Tuy nhiên, đánh giá nhân sự trong doanh nghiệp Nhật Bản thường thực hiện theo chế độ nhân sự được gọi là “Chế độ thâm niên”, chức vụ và thù lao sẽ tăng từng bước theo số năm từ khi vào công ty.

Chế độ này cũng có nhược điểm là do mức lương của những người vào công ty cùng thời điểm ngang nhau bất kể thực lực hay kết quả nên khiến họ không còn động lực làm việc. Tuy nhiên, việc cả mức lương và chức vụ đều sẽ tăng ổn định nếu liên tục làm việc lâu dài trong công ty cũng khiến người ta yên tâm.

Tuy nhiên, gần đây, do môi trường kinh tế thay đổi dẫn đến số doanh nghiệp hủy bỏ chế độ nhân sự theo thâm niên chuyển sang chế độ nhân sự theo chủ nghĩa trọng kết quả hơn đang gia tăng. Đương nhiên trong các doanh nghiệp mới thành lập…không tồn tại nét văn hóa này.

4. Tuyển dụng trọn đời – Chế độ nghỉ hưu

Trong doanh nghiệp Nhật Bản tồn tại văn hóa “Tuyển dụng trọn đời”, một khi đã bắt đầu thì sẽ làm việc liên tục trong một công ty cho đến khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, vì cũng khó cho doanh nghiệp để tiếp tục tuyển dụng khi người lao động không thể làm việc do tuổi tác, nên nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn quy tắc “Chế độ nghỉ hưu” quy định trước độ tuổi nghỉ việc. Về cơ bản thì tuổi nghỉ hưu là 60,65…tuổi

Ngoài ra, việc nghỉ làm ở công ty ban đầu khi mới tốt nghiệp để chuyển sang công ty khác đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, không ít người ở độ tuổi 20 đã từng chuyển việc khoảng 1-2 lần, độ tuổi 30 từng chuyển việc khoảng 3 lần. Nếu ngoại trừ một bộ phận các doanh nghiệp lớn, có thể nói thực chất văn hóa tuyển dụng trọn đời ở Nhật cũng không còn tồn tại.

Kết luận

Các bạn thấy thế nào? Trên đây chúng tôi đã giới thiệu 4 nội dung trong phong cách tuyển dụng đặc thù của doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng do thay đổi môi trường kinh tế nên gần đây các doanh nghiệp Nhật cũng đang thay đổi. Số lượng các doanh nghiệp lớn không chỉ tuyển dụng người mới ra trường mà còn tích cực thực hiện tuyển dụng giữa chừng đang gia tăng, cũng có những doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng theo ngành nghề. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp đi theo chủ nghĩa trọng kết quả giúp làm việc tự do hơn vì thế cũng trở thành nơi làm việc được yêu thích; chuyển việc nhiều lần cũng đã thành chuyện đương nhiên. Với ý nghĩa đó, có thể nói rằng phong cách tuyển dụng theo kiểu Nhật trước đây đang dần sụp đổ, thị trường tìm việc tại Nhật Bản đang tiến gần với phong cách tuyển dụng mang tính toàn cầu.

Cẩm nang hướng dẫn tìm việc dành cho du học sinh người nước ngoài