Trong quá trình tìm kiếm việc làm, khi ứng tuyển vào một doanh nghiệp, hồ sơ cần nộp trước tiên đó là Entry Sheet. Entry Sheet giúp cho nhà tuyển dụng biết rõ hơn về ứng viên, đồng thời nộp hồ sơ này có nghĩa là bạn đang chính thức ứng tuyển vào doanh nghiệp. Có thể nói, Entry Sheet là ngưỡng cửa đầu tiên, có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả ứng viên có được nhận vào làm chính thức hay không. Bài viết dưới đây xin được giới thiệu những nội dung quan trọng về Entry Sheet cũng như cách viết đơn hiệu quả
Định nghĩa về Entry sheet
Entry Sheet, viết tắt là ES (tạm dịch là Đơn xin việc) là một trong những hồ sơ đầu tiên cần nộp khi ứng tuyển vào một doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm việc làm, có thể được nhà tuyển dụng dùng làm tài liệu tham khảo khi phỏng vấn. Tùy theo từng doanh nghiệp, mẫu Đơn xin việc và nội dung câu hỏi có thể khác nhau. Tuy nhiên, một mẫu đơn thông thường ngoài các thông tin cơ bản như Tên ứng viên, Trường đại học, Địa chỉ liên lạc, … còn bao gồm mục Lí do ứng tuyển, PR bản thân, Nỗ lực thời sinh viên,…
Cách nhận và nộp Entry Sheet
Có rất nhiều cách để có được mẫu Đơn xin việc. Bạn có thể tải mẫu đơn từ trang web của doanh nghiệp hay trực tiếp nhập thông tin trên trang web. Cũng có nhiều trường hợp Đơn xin việc được phát tại buổi giới thiệu công ty, hay được gửi kèm với tập tài liệu khi ứng viên đăng ký ứng tuyển.
Bên cạnh đó, cách nộp đơn cũng khác nhau tùy theo từng doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp chấp nhận hình thức gửi tệp đính kèm qua thư điện tử, nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ chấp nhận Đơn xin việc bản cứng gửi qua đường bưu điện. Vì vậy, ứng viên cần lưu ý làm đúng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Cách viết Entry Sheet
Các mục trong Đơn xin việc rất đa dạng tùy theo từng doanh nghiệp, tuy nhiên phổ biến nhất là 3 nội dung dưới đây. Bài viết xin được giới thiệu cách viết hiệu quả về từng mục.
- Lí do ứng tuyển
- PR bản thân
- Nỗ lực thời sinh viên
Lí do ứng tuyển
Lí do ứng tuyển là nội dung nhà tuyển dụng rất chú trọng. Để có thể viết được lí do khiến người đọc ấn tượng, không thể thiếu 2 yếu tố đó là “Có sự tìm hiểu kĩ càng về công ty” và “Lí do có tính thuyết phục”.
Trước khi viết Lí do ứng tuyển, cần tìm hiểu thật kĩ về doanh nghiệp, có hiểu biết về lĩnh vực cũng như các đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp đó. Nếu không hiểu rõ hay hiểu sai về doanh nghiệp, sẽ khó có thể đưa ra lí do hợp lí, để lại ấn tượng không tốt với nhà tuyển dụng.
Hơn nữa, cần có một lí do thuyết phục. Chỉ giới thiệu về mối quan tâm đối với ngành nào đó thôi là chưa đủ, cần phải nêu ra cụ thể trong lĩnh vực đó, tại sao lại muốn được làm việc tại công ty ứng tuyển. Đồng thời, việc liên hệ lí do với trải nghiệm, sở thích của riêng bản thân là rất quan trọng.
PR bản thân
Để nội dung PR bản thân có sức thu hút, cần lưu ý 2 điểm mấu chốt đó là: “Nhà tuyển dụng đang tìm kiếm người như thế nào”, và “Làm nổi bật điểm mạnh của bản thân qua một câu chuyện cụ thể”.
PR bản thân không chỉ đơn thuần là kể ra những điểm mạnh của bạn. Để có thể gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng, cần hiểu rõ họ đang tìm kiếm đối tượng nhân lực như thế nào. Để phân tích được yêu cầu của nhà tuyển dụng, có thể căn cứ vào thông tin trên trang web của doanh nghiệp, kinh nghiệm của những người đi trước, khuynh hướng phát triển của lĩnh vực mà doanh nghiệp đang kinh doanh, …
Sau khi hiểu được yêu cầu của doanh nghiệp, liên hệ với một trong những điểm mạnh của bản thân và tập trung giới thiệu. Khẳng định về thế mạnh ấy ngay từ câu giới thiệu đầu tiên trong phần PR bản thân.
Tiếp theo, kể chi tiết về một câu chuyện làm nổi bật thế mạnh đó. Để kể lại câu chuyện một cách hấp dẫn, cần nêu ra những danh từ riêng hay những con số cụ thể. Cuối cùng, kết thúc phần PR bản thân bằng cách chỉ ra sẽ phát huy thế mạnh ấy như thế nào trong công việc.
Nỗ lực thời sinh viên
Khi được hỏi về Nỗ lực thời sinh viên, hãy kể chi tiết về một việc nào đó mà bản thân đã đặc biệt cố gắng, có thể là chuyện học tập, làm thêm, câu lạc bộ hay cũng có thể kể về một chuyến du lịch,…Trước tiên cần phân tích bản thân thật kĩ lưỡng, sau đó định hình lại xem bản thân đã hết sức cố gắng trong việc gì.
Giống với mục PR bản thân, cách viết ở đây cũng là tập trung vào một nội dung cụ thể, qua đó gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đồng thời, cần kể lại một cách chi tiết: động lực để bản thân cố gắng, cố gắng đó đã đem lại thành quả gì, bản thân đã trưởng thành như thế nào,…Khi viết về thành quả đạt được, nếu có thể nên đưa ra những thông tin mang tính cụ thể như một con số hay giải thưởng đã giành được để tăng tính thuyết phục.
Những điểm cần chú ý khi viết Entry Sheet
Khi viết Entry Sheet, cần chú ý đến những điểm sau:
- Trong trường hợp viết tay: viết đẹp, rõ ràng
- Kiểm tra lỗi chính tả, lỗi thiếu từ
- Chắc chắn đã điền đầy đủ các mục khi nộp đơn
- Giữ lại một bản sao sau khi điền thông tin
- Không nên nộp đơn sát hạn cuối cùng
Trong trường hợp viết tay, cần luyện tập viết nháp, sau đó cố gắng viết bản chính thật cẩn thận, đẹp và rõ ràng. Không tẩy xoá, chỉnh sửa vảo bản chính. Khi viết xong cần chú ý kiểm tra thật kỹ, rà soát lỗi chính tả, lỗi thiếu chữ. Bên cạnh đó, chú ý không để trống mục nào dù là câu hỏi khó, bởi như vậy sẽ để lại ấn tượng rằng bạn không thực sự xem trọng việc ứng tuyển vào công ty. Nên giữ lại một bản sao sau khi viết xong đơn để có thể xem lại trước khi đi phỏng vấn. Cuối cùng, chú ý sắp xếp thời gian để nộp đơn đúng hạn. Đặc biệt, nên tránh trường hợp thiếu thời gian, viết vội và nộp đơn sát thời hạn cuối cùng.
Lời kết
Entry Sheet, hay Đơn xin việc, có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đỗ hay trượt vào công ty. Đặc biệt, khi viết Đơn xin việc ứng tuyển vào công ty bản thân thật sự yêu thích, có thể nhờ bạn bè, gia đình hay những người đã có kinh nghiệm xem giúp và nghe đánh giá một cách khách quan. Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hi vọng các bạn sẽ viết được một lá Đơn xin việc đầy sức thuyết phục và vượt qua ngưỡng cửa đầu tiên trong hành trình tìm kiếm việc làm.
Cẩm nang hướng dẫn tìm việc dành cho du học sinh người nước ngoài
- Đặc trưng hoạt động tìm việc tại Nhật Bản
- Văn hoá tuyển dụng tại công ty Nhật Bản là gì?
- Kế hoạch tìm việc tại Nhật Bản
- Phân loại doanh nghiệp Nhật Bản và Ưu – Nhược điểm
- Thực trạng du học sinh nước ngoài làm việc tại Nhật Bản
- Bạn cần biết: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực người nước ngoài tại doanh nghiệp Nhật Bản
- Phân tích bản thân
- Nghiên cứu ngành nghề
- Cách viết CV
- Entry Sheet
- Thi viết
- Thủ tục thay đổi tư cách lưu trú
- Về hoạt động tìm việc sau khi tốt nghiệp
- Quá trình từ khi nhận được Naitei (Thư mời làm việc) cho đến khi vào công ty