Đối với các bạn lưu học sinh người nước ngoài, có thể nói chướng ngại đầu tiên trong hoạt động tìm việc chính là bài thi viết (筆記試験). Thông thường, lưu học sinh người nước ngoài cũng phải thực hiện bài thi viết tiếng Nhật như người Nhật, do vậy không chỉ luyện thi mà đòi hỏi cần có đủ năng lực đọc hiểu tiếng Nhật. Do nội dung bài thi viết khác nhau tùy vào từng doanh nghiệp, chúng tôi khuyến khích các bạn nên ôn luyện đầy đủ, phù hợp với bài thi viết của công ty có mong muốn làm việc. Bài viết này sẽ giới thiệu khái quát về bài thi viết và các điểm cần lưu ý.
Cách thức tham dự Thi viết
Có rất nhiều cách thức tham dự bài thi viết trong hoạt động tìm việc, trong đó tiêu biểu có các cách thức sau
- Kiểm tra tại Trung tâm kiểm tra (Test center)
- Kiểm tra qua web (Web test)
- Kiểm tra giấy (Paper test)
Kiểm tra tại Trung tâm kiểm tra (Test center)
Kiểm tra tại Trung tâm kiểm tra (Test center) là việc tham gia bằng cách đến địa điểm chuyên dụng được chỉ định và dự thi bằng máy tính. Đây là hình thức đăng ký trước trên web ngày và địa điểm dự thi, sau đó đến địa điểm đó để thi. Hiện đã có các Test center được đặt tại những thành phố lớn trên cả nước như Tokyo, Osaka, Nagoya, Sapporo, Fukuoka…, cũng có trường hợp địa điểm tổ chức tăng thêm khi hoạt động tìm việc lên tới đỉnh điểm. Kết quả dự thi tại Test center có khả năng sử dụng làm dữ liệu tham khảo lựa chọn cho nhiều doanh nghiệp nên có thể thúc đẩy hoạt động tìm việc rất hiệu quả.
Kiểm tra qua web (Web test)
Bài kiểm tra qua web (Web test) là bài kiểm tra có thể thực hiện bằng máy tính tại nhà. Hình thức này có điểm thu hút là chỉ cần trong thời gian đã quy định thì có thể dự thi bất cứ lúc nào, tuy nhiên cần chú ý chuẩn bị về địa điểm để có thể tập trung làm bài kiểm tra trong yên tĩnh, tránh bị làm phiền hay xảy ra vấn đề khi đang làm bài.
Kiểm tra giấy (Paper test)
Kiểm tra giấy (Paper test) là hình thức trong đó người tham gia sẽ đến doanh nghiệp hoặc địa điểm kiểm tra đã được doanh nghiệp chỉ định trước và thực hiện bài kiểm tra cùng với các ứng viên dự thi khác. Ứng viên dự thi sẽ viết vào phiếu trả lời chuyên dụng được phát. Đây là hình thức giống với thi Đại học thông thường. Hình thức kiểm tra giấy này thường được dùng trong trường hợp doanh nghiệp có chuẩn bị bài thi viết riêng. Khác với các hình thức như Kiểm tra qua web (Web test)…, trọng điểm của hình thức kiểm tra giấy là chắc chắn không thể gian lận được.
Các loại Thi viết
Có rất nhiều loại Thi viết khác nhau, cũng có trường hợp tùy vào doanh nghiệp mà có những bài thi riêng nhưng về cơ bản, các bài thi viết thường thường được dùng như sau
- Kiểm tra mức độ thích hợp:”SPI3”, ”CAB”, “GAB”…. Trả lời câu hỏi dưới hình thức bảng hỏi.
- Kiểm tra kiến thức thông thường:Các câu hỏi được đặt ra trong phạm vi rộng như quốc ngữ, xã hội, tiếng anh, toán học, khoa học tự nhiên, các vấn đề hiện thời…
- Kiểm tra tiểu luận: Trình bày suy nghĩ, ý kiến của bản thân về một chủ đề được chỉ định
“SPI3” – bài thi viết được sử dụng rộng rãi nhất là gì?
Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về “SPI3” – bài thi viết thường được các doanh nghiệp sử dụng nhất trong hoạt động tuyển dụng. SPI3 được sử dụng bởi 12.600 công ty vào niên độ 2017, với số lượng người tham gia dự thi là 2 triệu người. Nhắc đến hoạt động tìm việc ở Nhật Bản, nếu nói không thể nào tránh khỏi việc luyện thi SPI3 cũng không phải quá lời.
SPI3 được chia làm 2 phần là “Kiểm tra mức độ thích hợp về năng lực” (35 phút) và “Kiểm tra mức độ thích hợp về tính cách” (30 phút). Phần “Kiểm tra mức độ thích hợp về năng lực” được chia thành “Ngôn ngữ” và “Phi ngôn ngữ”; phần “Kiểm tra mức độ thích hợp về tính cách” sẽ dự đoán về “Mức độ thích hợp đối với công việc” và “Mức độ thích hợp đối với tổ chức”.
Trong phần kiểm tra mức độ thích hợp về năng lực, “Ngôn ngữ” là bài thi chủ yếu hướng đến năng lực ngôn ngữ hay năng lực truyền đạt ý kiến, năng lực tạo văn bản; “Phi ngôn ngữ” là phần thi hướng đến kiểm tra năng lực tính toán, năng lực tư duy logic, năng lực xử lý thực tế.
Phần kiểm tra mức độ thích hợp về tính cách có hình thức trả lời khoảng 200 câu hỏi dưới dạng “có”/ “không”. Điểm cần lưu ý trong phần kiểm tra mức độ thích hợp về tính cách trong bài kiểm tra SPI3 này là sẽ đánh giá cả về Lie scales (Mức độ nói dối). Nghĩa là, cho dù bạn dựa vào ý thức về hình tượng nhân sự mà doanh nghiệp cần để lựa chọn những câu trả lời khác với tính cách hay kiểu hành động thực tế của bản thân thì cũng sẽ bị thấy rõ qua mức độ nói dối này. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích các bạn trả lời trung thực với chính mình trong phần kiểm tra độ thích hợp về tính cách.
Phương pháp ôn luyện SPI3
Trường hợp dự thi SPI3, hãy ý thức về những nội dung dưới đây và luyện tập đầy đủ từ trước nhé!
- Quen với các dạng câu hỏi
- Chú ý phân bố thời gian
- Nếu phân vân, hãy trả lời bằng phương pháp loại trừ
- Trung thực với phần kiểm tra mức độ thích hợp về tính cách
Các dạng câu hỏi của SPI3 đã được quy định từ trước, vậy nên hãy mua trước các tài liệu như Tuyển tập câu hỏi SPI3… rồi luyện đi luyện lại nhiều lần để quen các dạng câu hỏi đó nhé! Ngoài ra, do cần xử lý số lượng lớn các câu hỏi trong thời gian ngắn trong bài thi SPI3 nên cần chú ý phân bố thời gian một cách triệt để. Để làm được điều đó, nếu gặp phải câu hỏi khiến bạn phân vân về đáp án thì tạm thời bỏ qua, hoặc là sử dụng phương pháp loại trừ cũng là một sự lựa chọn. Chỉ cần dừng tay một chút thôi cũng có thể khiến bạn không kịp hoàn thành tất cả các câu hỏi, vì vậy trước hết hãy chú ý phân bố thời gian nào!
Và mặc dù luyện đi luyện lại nhiều lần những hãy chú ý trả lời trung thực với chính mình trong phần kiểm tra mức độ thích hợp về tính cách nhé! Do bài kiểm tra mức độ thích hợp về tính cách được thực hiện để tránh việc không phù hợp sau khi gia nhập công ty, nên nếu giả sử bạn gian dối về chính mình mà được thông qua đi chăng nữa, sau khi vào công ty thì người vất vả là chính bạn. Để tìm được doanh nghiệp phù hợp với chính mình thì việc không xuyên tạc về bản thân là rất quan trọng.
Hãy cùng hướng đến bài thi SPI3 chính thức sau khi ý thức những nội dung trên và ôn luyện đầy đủ nào!
Cẩm nang hướng dẫn tìm việc dành cho du học sinh người nước ngoài
- Đặc trưng hoạt động tìm việc tại Nhật Bản
- Văn hoá tuyển dụng tại công ty Nhật Bản là gì?
- Kế hoạch tìm việc tại Nhật Bản
- Phân loại doanh nghiệp Nhật Bản và Ưu – Nhược điểm
- Thực trạng du học sinh nước ngoài làm việc tại Nhật Bản
- Bạn cần biết: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực người nước ngoài tại doanh nghiệp Nhật Bản
- Phân tích bản thân
- Nghiên cứu ngành nghề
- Cách viết CV
- Entry Sheet
- Thi viết
- Thủ tục thay đổi tư cách lưu trú
- Về hoạt động tìm việc sau khi tốt nghiệp
- Quá trình từ khi nhận được Naitei (Thư mời làm việc) cho đến khi vào công ty