Để chuẩn bị trước khi bắt đầu hoạt động tìm kiếm việc làm, nhất định phải thực hiện một thao tác được gọi là “phân tích bản thân”. Do đó, trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về phương pháp phân tích bản thân và tại sao phân tích bản thân là cần thiết.
“Phân tích bản thân” là gì
Phân tích bản thân chỉ việc xác định rõ mong muốn cũng như sự phù hợp của bản thân bằng cách nhìn nhận lại những kinh nghiệm và hành vi trong quá khứ, xem bản thân mình hướng tới công việc như thế nào, có động lực cố gắng với việc gì v.v… Một khi hoạt động tìm việc được bắt đầu, việc tham gia các buổi giới thiệu việc làm cũng như các buổi phỏng vấn sẽ khiến bạn trở nên bận rộn, khó đảm bảo thời gian xem xét kỹ càng về bản thân. Vì vậy, trước khi chính thức bắt đầu hoạt động tìm việc, cần tiến hành phân tích bản thân và xác định hướng đi cho mình trong tương lai.
Vì sao phân tích bản thân lại cần thiết?
Để hoạt động tìm việc được thành công, vì sao phân tích bản thân lại cần thiết? Ở đây, chúng tôi xin đưa ra 3 lý do chính.
- Thúc đẩy hoạt động tìm việc một cách hiệu quả
- Trở thành biện pháp ứng phó khi phỏng vấn
- Tránh sự không phù hợp sau khi vào công ty
Thúc đẩy hoạt động tìm việc một cách hiệu quả
Tại Nhật Bản, hiện có hơn 4 triệu công ty, riêng các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán đã có khoảng 3.600 doanh nghiệp. Dĩ nhiên, khó có thể tìm hiểu kỹ về tất cả các doanh nghiệp này, vì vậy cần thu hẹp mục tiêu tìm việc theo nguyện vọng và sự phù hợp. Bằng việc tiến hành phân tích bản thân, bạn có thể làm rõ ngành nghề mong muốn của mình, thu hẹp mục tiêu, từ đó có thể thu thập thông tin và tìm việc làm tốt hơn.
Trở thành biện pháp ứng phó khi phỏng vấn
Trong buổi phỏng vấn tại công ty Nhật Bản, chắc chắn bạn sẽ gặp phải các câu hỏi như “Tại sao bạn muốn làm việc tại Nhật Bản?” “Tại sao bạn muốn làm trong ngành này?” “Tại sao bạn lại chọn công ty chúng tôi?”. Để đưa ra câu trả lời thuyết phục cho những câu hỏi này, bạn cần đưa ra các lý do liên hệ với kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân trong quá khứ. Bằng việc phân tích bản thân, bạn có thể đưa ra câu trả lời theo phong cách riêng của mình, đây sẽ là một biện pháp ứng phó hiệu quả khi phỏng vấn.
Tránh sự không phù hợp sau khi vào công ty
Nếu bạn tìm việc khi chưa hiểu chính xác điều mình muốn làm và sự phù hợp công việc, rất có thể sau khi gia nhập công ty bạn mới phát hiện công việc đó không phù hợp với bạn. Tất nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp nếu không vào làm tại công ty thì không thể biết được, nhưng để tránh sự không phù hợp sau khi vào công ty, bạn cần cố gắng tiến hành phân tích bản thân, hiểu rõ bản thân thích hợp hoặc không thích hợp với công việc nào là điều rất quan trọng.
Phương pháp phân tích
Nếu bạn đã nắm được tính quan trọng của việc phân tích bản thân, tiếp theo chúng tôi xin giới thiệu phương pháp tiến hành. Điều cơ bản trong việc phân tích bản thân là nhìn nhận lại bản thân theo 2 trục “quá khứ” và “tương lai”. Tại đây chúng tôi sẽ giải thích các điểm chính trong việc phân tích theo 2 trục này như sau.
- Tìm ra điểm tương đồng từ những việc trong quá khứ
- Suy nghĩ về tương lai bằng các từ Want / Have / Be
Tìm ra điểm tương đồng từ những việc trong quá khứ
Đối với quá khứ, hãy viết ra khoảng 10 đến 20 câu chuyện từ thời thơ ấu đến nay, với các chủ đề như “những điều thú vị”, “những điều khó khăn”, “những gì đã cố gắng” v.v… Sau khi viết xong, hãy suy nghĩ về những điểm chung trong các câu chuyện đó.
Bằng cách này, bạn đã xác định được rõ hơn khi nào mình cảm thấy vui, trong hoàn cảnh nào sẽ cố gắng được v.v… Ngoài ra, bí quyết để tìm kiếm điểm chung là, với mỗi câu chuyện mình viết ra hãy liên tục đặt câu hỏi: “tại sao” lại cảm thấy như vậy.
Bằng cách lặp lại từ “tại sao”, khiến cho những câu chuyện dường như không liên quan nhưng thực chất lại có điểm chung trở nên dễ hiểu hơn.
Suy nghĩ về tương lai bằng các từ Want / Have / Be
Đối với tương lai, chúng tôi đề xuất nên suy nghĩ theo 3 trục như sau:
- Want: Bạn muốn làm gì? (Ví dụ: Công việc liên quan đến sản xuất hay con người v.v…)
- Have: Bạn đang có gì? (Ví dụ: Tiền bạc, nhà cửa hay gia đình v.v…)
- Be: Bạn muốn được như thế nào? (Ví dụ: Cuộc sống tự do, ổn định hay đầy thử thách v.v…)
Bằng cách sắp xếp mong muốn về tương lai của bản thân theo 3 trục Want / Have / Be, bạn có thể làm sáng tỏ tương lai lý tưởng do chính mình vẽ ra. Sau khi sắp xếp xong, tiếp theo hãy suy nghĩ về “Tại sao lại nghĩ như vậy”. Lý do chắc chắn nằm trong những câu chuyện, những trải nghiệm trong quá khứ của chính bạn.
Qua việc lặp đi lặp lại thao tác này, nếu bạn có thể tìm thấy sự nhất quán về kinh nghiệm trong quá khứ và mong muốn trong tương lai, chứng tỏ bạn đã có thể phân tích tốt về bản thân mình.
Hãy tận dụng công cụ phân tích bản thân
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều bài trắc nghiệm khá tiện lợi về sự phù hợp công việc, có thể giúp ích cho việc phân tích bản thân. Một số trang web tìm kiếm việc làm cũng cung cấp nội dung kiểm tra sự phù hợp công việc dành cho sinh viên đang tìm kiếm việc làm. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một vài bài trắc nghiệm, hãy tận dụng nếu bạn quan tâm.
- 16 Personalities
- Trắc nghiệm Enneagram dạng đơn giản
- Mynavi: Công cụ phân tích bản thân “trắc nghiệm nghề nghiệp MATCH”
Suy nghĩ về mối liên hệ với Nhật Bản
Trường hợp các bạn lưu học sinh nước ngoài tìm kiếm việc làm tại Nhật Bản, khả năng cao sẽ nhận được các câu hỏi như “Tại sao bạn quyết định đến Nhật Bản” “Tại sao bạn muốn làm việc tại Nhật Bản”. Vì vậy, về mối liên hệ với Nhật Bản, chúng tôi khuyến khích các bạn cũng nên sắp xếp trước theo 2 trục quá khứ và tương lai.
- Quá khứ: Điều gì khiến bạn quan tâm đến Nhật Bản, tại sao bạn lại quan tâm đến Nhật Bản?
- Tương lai: Mối liên hệ của bạn với Nhật Bản trong tương lai sẽ như thế nào? Tại sao bạn lại nghĩ vậy?
Kết luận
Bạn nghĩ sao về những điều nêu trên? Phân tích bản thân là bước đầu tiên dẫn đến sự thành công trong hoạt động tìm việc. Phân tích bản thân cũng là cơ hội để hiểu rõ bản thân mình một lần nữa, vậy nên chúng ta hãy dành thời gian đối mặt với chính mình.
Cẩm nang hướng dẫn tìm việc dành cho du học sinh người nước ngoài
- Đặc trưng hoạt động tìm việc tại Nhật Bản
- Văn hoá tuyển dụng tại công ty Nhật Bản là gì?
- Kế hoạch tìm việc tại Nhật Bản
- Phân loại doanh nghiệp Nhật Bản và Ưu – Nhược điểm
- Thực trạng du học sinh nước ngoài làm việc tại Nhật Bản
- Bạn cần biết: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực người nước ngoài tại doanh nghiệp Nhật Bản
- Phân tích bản thân
- Nghiên cứu ngành nghề
- Cách viết CV
- Entry Sheet
- Thi viết
- Thủ tục thay đổi tư cách lưu trú
- Về hoạt động tìm việc sau khi tốt nghiệp
- Quá trình từ khi nhận được Naitei (Thư mời làm việc) cho đến khi vào công ty