Các bạn du học sinh người nước ngoài thân mến, sau khi tìm việc thành công, để bắt đầu làm việc tại Nhật Bản, bạn cần thay đổi tư cách lưu trú từ “du học” (留学) sang loại tư cách lưu trú có thể làm việc. Bài viết lần này chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn chi tiết về thủ tục thay đổi tư cách lưu trú.
Tư cách lưu trú có thể làm việc tại Nhật Bản
Như vậy, để làm việc ở Nhật cần phải có tư cách lưu trú như thế nào? Tư cách lưu trú được phép làm việc tại Nhật có thể chia thành 2 loại lớn như sau:
- Loại tư cách lưu trú có thể làm việc bất kể mọi ngành nghề, lĩnh vực
- Loại tư cách lưu trú chỉ có thể làm những công việc có nội dung, ngành nghề, lĩnh vực thuộc phạm vi nhất định
Loại tư cách lưu trú cú thể làm việc bất kể mọi ngành nghề, lĩnh vực
Những loại tư cách lưu trú điển hình có thể làm việc tại Nhật bất kể mọi ngành nghề, lĩnh vực v..v.. có thể thể kể đến như: vĩnh trú (永住者), vợ/chồng/con của người Nhật (日本人の配偶者等), vợ/chồng/con của người vĩnh trú, định trú (定住者).
Loại tư cách lưu trú có thể làm những công việc có nội dung, ngành nghề, lĩnh vực thuộc phạm vi nhất định
Dưới đây là một số loại tư cách lưu trú điển hình chỉ được phép làm những công việc thuộc phạm vi nhất định: công việc chuyên môn chất lượng cao (高度専門職); giáo sư (教授); nghệ thuật (芸術); tôn giáo (宗教); truyền thông (報道); Kinh doanh, quản lý (経営・管理), pháp luật, nghiệp vụ kế toán (法律・会計業務); y tế (医療); nghiên cứu (研究); giáo dục (教育); kỹ thuật, nhân văn, nghiệp vụ quốc tế (技術・人文知識・国際業務); chuyển công tác trong cùng công ty (企業内転勤); giải trí (興行); kỹ năng (技能); điều dưỡng (介護).
Loại tư cách lưu trú “công việc chuyên môn chất lượng cao” (高度専門職) chỉ được cấp cho những đối tượng có trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và số năm kinh nghiệm, thu nhập theo năm ..v.v… đạt mức điểm tiêu chuẩn. Tuy vậy, trong số những du học sinh người nước ngoài được phép chuyển đổi sang loại tư cách lưu trú với mục đích làm việc, có đến gần 90% là loại tư cách lưu trú “công việc chuyên môn chất lượng cao” (高度専門職).
※Chính phủ Nhật Bản dự định từ tháng 4 năm 2019 sẽ ban hành loại tư cách lưu trú mới, người ta dự đoán rằng môi trường làm việc cho người nước ngoài sẽ ngày càng trở lên thuận lợi hơn.
Kỹ thuật, nhân văn, nghiệp vụ quốc tế(技術・人文知識・国際業務) – loại tư cách lưu trú được 90% du học sinh lựa chọn chuyển đổi là gì?
Loại tư cách lưu trú của hầu hết du học sinh nước ngoài làm việc tại Nhật là “kỹ thuật, nhân văn, nghiệp vụ quốc tế” (技術・人文知識・国際業務). Vậy loại tư cách lưu trú này là gì, có đặc điểm như thế nào?
Tư cách lưu trú này được phép thực hiện các hoạt động bao gồm: công việc đòi hỏi tri thức, kỹ thuật thuộc lĩnh vực như: khoa học xã hội, nhân văn học, khoa học, kỹ thuật, khoa học tự nhiên..v..v.. hoặc công việc cần kiến thức liên quan đến tư tưởng, tri giác dựa trên cơ sở văn hoá nước ngoài. Cụ thể có thể kể đến một số ngành nghề như: kế toán, tài chính, hành chính tổng hợp, nhân sự, pháp chế, kế hoạch, phát triển sản phẩm, thiết kế, marketing, quảng cáo, tuyên truyền, phiên dịch, biên dịch, hướng dẫn ngôn ngữ, kỹ thuật sản xuất, phát triển nghiên cứu, kỹ sư, lập trình viên, thiết kế xây dựng, quản lý hệ thống. v..v…
Do phần lớn công việc của người nước ngoài tại doanh nghiệp Nhật sẽ thuộc một trong những hoạt động nêu trên, vì vậy về cơ bản du học sinh đều chuyển tư cách lưu trú từ “du học” sang “kỹ thuật, nhân văn, nghiệp vụ quốc tế” (技術・人文知識・国際業務).
Điểm mấu chốt để thay đổi tư cách lưu trú là, chuyên ngành theo học tại trường Đại học hay trường dạy nghề..v..v.. phải có liên quan đến kỹ thuật, tri thức cần thiết cho công việc bạn dự định làm. Chính vì vậy, nếu nội dung chuyên ngành bạn học hoàn toàn không có mối liên hệ với công việc thì sẽ khó được chấp nhận.
Tuy nhiên, trường hợp du học sinh người nước ngoài sau khi tốt nghiệp đại học có thể làm công việc biên dịch, phiên dịch, hướng dẫn ngôn ngữ là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, kể cả công việc này không liên quan đến chuyên ngành học. Ngoài ra, đối với công việc liên quan đến kỹ thuật máy tính, nếu có chứng chỉ hoặc đỗ kỳ thi kỹ thuật xử lý thông tin do nhà nước quy định bạn cũng có thể làm công việc mà không phụ thuộc vào chuyên ngành đã học tại đại học, trường dạy nghề.
Tiêu chí đánh giá khi thay đổi tư cách cư trú
Như vậy Cục quản lý xuất nhập cảnh sẽ đánh giá những tiêu chí nào để xét duyệt thay đổi tư cách cư trú từ “du học” (留学) thành “kỹ thuật, nhân văn, nghiệp vụ quốc tế” (技術・人文知識・国際業務)? Dưới đây là một vài tiêu chí được chúng tôi tổng hợp căn cứ theo Hướng dẫn về việc thay đổi tư cách lưu trú do Cục quản lý xuất nhập cảnh quy định:
- Làm việc theo hợp đồng với cơ quan công lập, dân lập tại Nhật Bản
- Công việc cần kiến thức, kỹ thuật.v..v.. thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, nhân văn học
- Chuyên ngành đang theo học tại đại học, trường dạy nghề..v..v.. có liên quan đến công việc dự định làm
- Mức thù lao nhận được phải tương đương hoặc cao hơn so với mức người Nhật nếu làm cùng công việc
- Không có tiền án, không vi phạm pháp luật
- Thực hiện các nghĩa vụ như thông báo..v.v.. theo Luật xuất nhập cảnh
- Tính ổn định, khả năng duy trì của doanh nghiệp tuyển dụng
Làm việc theo hợp đồng với cơ quan công lập, dân lập tại Nhật Bản
Cơ quan công lập, dân lập không chỉ có pháp nhân là tổ chức chính quyền nhà nước/địa phương, pháp nhân hành chính độc lập, pháp nhân công ích; mà còn bao gồm cả những tổ chức tình nguyện.
Ngoài ra, trường hợp tổ chức chính quyền nhà nước/địa phương, pháp nhân nước ngoài sở hữu văn phòng/cơ sở kinh doanh tại Nhật Bản; hay người sử dụng lao động là cá nhân sở hữu văn phòng/cơ sở kinh doanh tại Nhật cũng được ký hợp đồng với người nước ngoài. Về hình thức hợp đồng, ngoài hợp đồng lao động còn có hợp đồng uỷ thác công việc. Tuy nhiên, công việc được uỷ thác phải có tính liên tục và được ký với một cơ quan nhất định, trường hợp uỷ thác ngắn hạn sẽ không được chấp nhận.
Công việc cần kiến thức, kỹ thuật thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, nhân văn học
Nội dung công việc cần phải phù hợp với hoạt động của tư cách lưu trú “kỹ thuật, nhân văn, nghiệp vụ quốc tế” (技術・人文知識・国際業務). Tuy vậy, trường hợp nội dung công việc được giao trong đợt tập huấn khi mới vào công ty mà không nằm trong nội dung hoạt động của tư cách lưu trú “kỹ thuật, nhân văn, nghiệp vụ quốc tế” (技術・人文知識・国際業務) thì khi làm hồ sơ xin thay đổi tư cách lưu trú, bạn nộp kèm theo bản chi tiết về kế hoạch tập huấn thì vẫn có trường hợp được chấp nhận.
Chẳng hạn, khi vào làm cho khách sạn, trong quá trình tập huấn khi mới vào công ty bạn có thể làm các công việc trong bếp, dọn phòng..v..v.. Trái lại, nếu những công việc này được giao trong thời điểm không phải đợt tập huấn mà là công việc lâu dài, bạn sẽ không được cấp phép thay đổi tư cách lưu trú.
Chuyên ngành đang theo học tại đại học, trường dạy nghề..v..v.. có liên quan đến công việc dự định làm
Cục quản lý xuất nhập cảnh cũng quan tâm xem nội dung công việc có liên quan tới chuyên ngành bạn học tại trường đại học, trường dạy nghề..v..v.. hay không. Tuy nhiên, trường dạy nghề đào tạo những kỹ năng cần thiết cho những ngành nghề nhất định, trong khi đó, trường đại học đào tạo toàn diện với kiến thúc trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy có thể nói rằng việc xác định mối liên hệ giữa chuyên ngành học tại đại học và công việc sau khi ra trường sẽ linh hoạt hơn.
Mức thù lao nhận được phải tương đương hoặc cao hơn so với mức người Nhật nếu làm cùng công việc
Với cùng một công việc, mức thù lao người nước ngoài nhận được phải tương đương hoặc cao hơn so với người Nhật cũng là một điểm quan trọng. Thù lao ở đây là khoản tiền lương, chứ không bao gồm các loại trợ cấp như trợ cấp đi lại, trợ cấp chăm sóc người thân, trợ cấp nhà ở ..v..v..
Không có tiền án, không vi phạm pháp luật
Khi thay đổi tư cách lưu trú, người nước ngoài không phạm tội, không có tiền án là tiền đề quan trọng. Nếu người nước ngoài đã từng phạm tội sẽ là một yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến đánh giá chung. Vì vậy các bạn hãy lưu ý vấn đề này nhé!
Thực hiện các nghĩa vụ như thông báo..v.v.. theo Luật xuất nhập cảnh
Người nước ngoài cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ: thông báo liên quan đến các mục được nêu trong thẻ cư trú (在留カード), xin gia hạn thẻ cư trú, xin cấp lại thẻ cư trú khi bị mất, trả lại thẻ cư trú.v…v.. đến cơ quan có thẩm quyền.
Tính ổn định, khả năng duy trì của doanh nghiệp tuyển dụng
Khi thay đổi tư cách lưu trú, không chỉ bản thân người nước ngoài mà cả doanh nghiệp tuyển dụng cũng sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt. Như đã nêu ở trên, cùng một công việc thì doanh nghiệp phải trả cho người nước ngoài mức thù lao bằng hoặc cao hơn người Nhật nhận được, đồng thời để đảm bảo công việc lâu dài cho lao động người nước ngoài, doanh nghiệp phải cho thấy tính ổn định, khả năng duy trì kinh doanh. Do đó, trường hợp những doanh nghiệp lần đầu tiên có nguyện vọng tuyển người nước ngoài sẽ được kiểm tra rất kỹ lưỡng xem có đáp ứng điều kiện trong quy định về thay đổi tư cách lưu trú hay không.
Những điểm lưu ý khi thay đổi tư cách lưu trú
Dưới đây là một vài điểm cần lưu ý khi thực hiện thay đổi tư cách lưu trú:
- Chuẩn bị sớm những giấy tờ cần thiết trong hồ sơ xin thay đổi tư cách lưu trú
- Thời gian xét duyệt khoảng 1~3 tháng, vì vậy cần nộp hồ sơ càng sớm càng tốt
- Về nguyên tắc người nước ngoài phải tự mình nộp hồ sơ
- Nếu tư cách lưu trú còn thời hạn vẫn có thể xin lại
Khi xin thay đổi tư cách lưu trú, có những hồ sơ do phía công ty tuyển dụng cung cấp, vì vậy việc chuẩn bị hồ sơ sớm là rất quan trọng. Ngoài ra, thời gian xét duyệt thay đổi tư cách lưu trú sẽ mất 1~3 tháng kể từ khi nộp hồ sơ. Theo nguyên tắc, để tháng 4 bắt đầu vào làm tại doanh nghiệp, bạn cần nộp hồ sơ xin đổi tư cách lưu trú từ tháng 1 của năm tốt nghiệp. Nếu không tính toán thời gian cẩn thận có khả năng bạn sẽ không kịp vào làm tại công ty, vì vậy hãy lưu ý nộp hồ sơ sớm nhất có thể nhé!
Hồ sơ cần thiết để thay đổi tư cách lưu trú
Những giấy tờ cần thiết để thay đổi tư cách lưu trú từ “du học” (留学) sang “kỹ thuật, nhân văn, nghiệp vụ quốc tế” (技術・人文知識・国際業務) bạn vui lòng tham khảo bài viết dưới đây tại website của Bộ Tư pháp:
Bộ Tư pháp: kỹ thuật, nhân văn, nghiệp vụ quốc tế (技術・人文知識・国際業務)
Cẩm nang hướng dẫn tìm việc dành cho du học sinh người nước ngoài
- Đặc trưng hoạt động tìm việc tại Nhật Bản
- Văn hoá tuyển dụng tại công ty Nhật Bản là gì?
- Kế hoạch tìm việc tại Nhật Bản
- Phân loại doanh nghiệp Nhật Bản và Ưu – Nhược điểm
- Thực trạng du học sinh nước ngoài làm việc tại Nhật Bản
- Bạn cần biết: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực người nước ngoài tại doanh nghiệp Nhật Bản
- Phân tích bản thân
- Nghiên cứu ngành nghề
- Cách viết CV
- Entry Sheet
- Thi viết
- Thủ tục thay đổi tư cách lưu trú
- Về hoạt động tìm việc sau khi tốt nghiệp
- Quá trình từ khi nhận được Naitei (Thư mời làm việc) cho đến khi vào công ty