Mỳ ăn liền số 1 Việt Nam được bán tại siêu thị Nhật Bản.
Vào những ngày tháng 11 năm 2018, khi bước vào một số siêu thị tại Nhật Bản, rất nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy mỳ Hảo Hảo – loại mỳ ăn liền nổi tiếng ở Việt Nam, đang được bày bán tại đây. Trước đó, vào tháng 9 cùng năm, Hảo Hảo đã xác lập kỷ lục là “sản phẩm mỳ gói được tiêu thụ nhiều nhất Việt Nam trong 18 năm (từ năm 2000 đến năm 2018)” với hơn 20 tỷ gói phục vụ người tiêu dùng. Hảo Hảo được sản xuất dựa trên công nghệ và dây chuyền đến từ Nhật Bản của công ty Acecook Việt Nam – một công ty thuộc tập đoàn Acecook chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan đến mỳ ăn liền ở Nhật Bản. Trong suốt 18 năm qua, Hảo Hảo được định vị hình ảnh như một thương hiệu mỳ ăn liền công nghệ Nhật dành riêng cho người Việt, có mặt rộng khắp từ những bữa ăn sáng, bữa lẩu liên hoan cho đến những lần cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở Việt Nam. Với việc được “nhập khẩu ngược” lại thị trường Nhật Bản lần này, không biết Hảo Hảo đang kể cho chúng ta những câu chuyện như thế nào ?
Nhập khẩu ngược là gì ?
Đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu qua về khái niệm “nhập khẩu ngược”. “Nhập khẩu ngược” là hiện tượng một sản phẩm được sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng sau đó lại được nhập khẩu về chính nước sản xuất. Ngoài ra, thuật ngữ này cũng chỉ hiện tượng doanh nghiệp của một quốc gia có trụ sở ở nước ngoài chuyên sản xuất sản phẩm cho nước sở tại, và sản phẩm đó được nhập khẩu lại về chính quốc gia của doanh nghiệp đó. Trường hợp nhập khẩu ngược của mỳ Hảo Hảo ứng với nghĩa thứ hai của thuật ngữ này.
Suy nghĩ về lý do Hảo Hảo được nhập khẩu ngược ?
Trong suốt chiều dài lịch sử có rất nhiều mô hình nhập khẩu ngược đã được thực hiện. Trong thời kỳ Minh Trị, khi tiếp thu các tri thức từ phương Tây, để biểu thị các khái niệm mới người Nhật đã dùng chữ Hán để tạo ra các từ ngữ mới nhằm phổ cập kiến thức cho dân tộc như: kinh tế, xã hội, giao thông,… Về sau các từ Hán gốc Nhật này lại được các nhà tri thức Trung Quốc học tập và áp dụng ngược lại vào xã hội Trung Quốc. Như vậy, từ ngữ gốc Hán vốn ban đầu là sản phẩm trí tuệ của nền văn minh Trung Hoa, nhưng sau khi Nhật Bản vay mượn, vận dụng và phát triển thành công thì Trung Quốc lại nhập khẩu ngược lại những từ ngữ gốc Hán mà người Nhật tạo ra. Lý do dẫn đến trường hợp nhập khẩu ngược này là do sản phẩm được xuất khẩu đã có sự biến đổi và phát triển tiến bộ hơn ở nước sở tại mang lại những giá trị mới cho sản phẩm gốc.
Một ví dụ khác cho mô hình nhập khẩu ngược là hàng loạt các doanh nghiệp xe hơi hàng đầu ở Nhật Bản như: Toyota, Nissan, Honda hay Suzuki tiến hành bán các xe vốn được sản xuất ở nước ngoài ở thị trường nội địa. Có nhiều lý do cho trường hợp xuất khẩu ngược này và một trong số đó là điểm lợi về giá cả đối với các xe sản xuất ở các nước có phí nhân công thấp.
Khi suy nghĩ trong trường hợp mỳ Hảo Hảo được xuất khẩu ngược lại Nhật Bản, rõ ràng các yếu tố về giá cả cũng như yếu tố phát triển và biến đổi hơn của sản phẩm ở nước sở tại là không rõ ràng. Vậy đâu mới là lý do khiến mỳ Hảo Hảo được bán ở thị trường Nhật Bản ?
Hảo Hảo – “hương vị quê hương” cho người Việt Nam tại Nhật Bản
Theo tờ báo Asahi thì việc Hảo Hảo xuất hiện trong các siêu thị ở Nhật Bản lần này là để đáp lại nỗi nhớ “hương vị quê hương” của cộng động người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, số lượng người Việt Nam đến Nhật Bản đang trên đà gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu do cục quản lý xuất nhập cảnh bộ Tư pháp công bố, tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2018, có 291,494 người Việt Nam đang cư trú ở Nhật Bản, đứng ở vị trí nhiều thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Tính về tốc độ tăng hàng năm, so với cùng kì năm trước (năm 2017) số lượng người Việt ở Nhật tăng thêm 11.1%, xếp thứ nhất về tốc độ gia tăng. Ngoài ra, so với thời điểm 10 năm trước (năm 2008), con số này đã tăng tới khoảng 7.2 lần.
Khi quy mô của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đang mở rộng từng ngày, việc đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống sinh hoạt của người Việt là hết sức cần thiết. Nói về nhu cầu ăn đồ Việt ở Nhật Bản, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn du học sinh mang theo một va li đựng toàn mỳ tôm trong những ngày đầu sang Nhật. Cá nhân tác giả bài viết cũng có thời gian sống ở Nhật và đã ăn thử nhiều loại mỳ ăn liền, nhưng có vẻ các loại mì của Nhật không phù hợp lắm với khẩu vị người Việt Nam. Do đó, Hảo Hảo với thương hiệu là mỳ ăn liền số 1 Việt Nam cùng với những ưu điểm về tính gọn nhẹ, giá cả phù hợp và cách chế biến dễ dàng sẽ là một giải pháp tạm thời cho nỗi nhớ hương vị quê hương của người Việt tại Nhật Bản.
Sứ mệnh của Hảo Hảo
Như vậy, lý do của lần nhập khẩu ngược của Hảo Hảo lần này, không phải chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng là người Nhật mà quan trọng hơn còn là để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng người Việt tại Nhật. Cùng với việc chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu các chính sách để giải quyết các vấn đề liên quan đến người nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân cũng có những triển khai riêng hướng tới đối tượng là người nước ngoài sống tại Nhật Bản mà việc nhập khẩu ngược Hảo Hảo là một ví dụ.
Vào năm thứ 18 kể từ ngày xuất hiện trên thị trường, Acecook đã quyết định đưa thương hiệu Hảo Hảo đi “du học ngược” tại chính đất nước cung cấp công nghệ sản xuất ra Hảo Hảo. Hy vọng với hình ảnh “Made in Japan and Vietnam”, Hảo Hảo sẽ không chỉ là sợi dây kết nối cộng đồng người Việt ở Nhật mà còn là cầu nối trong mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản hiện nay.
[Bài viết tham khảo] Đáp ứng mong chờ về hương vị quê hương. Nhập khẩu ngược mỳ ăn liền hàng đầu Việt Nam. (bài viết bằng tiếng Nhật)
jopus Phòng biên tập
Bài mới nhất của jopus Phòng biên tập (Xem tất cả)
- 80% số người ở độ tuổi 20 tìm kiếm việc làm mới trong vòng 3 tháng. Thông tin theo khảo sát của Dip. - 8/30/2019
- Tình hình tuyển dụng tại thời điểm tháng 7 đối với sinh viên tốt nghiệp năm 2020 và sinh viên mới tốt nghiệp cho thấy, số lượng hồ sơ nộp vào và số lượng ứng viên tuyển chọn đều giảm so với năm trước. Theo khảo sát của Disco - 8/29/2019
- Cục xuất nhập cảnh thông báo về quan điểm tiếp nhận người lao động nước ngoài và tài liệu tóm lược tình trạng thiếu nhân lực. - 8/29/2019